Thực hiện hướng dẫn số 102/BVTTHN-CĐT ngày 10 tháng 5 năm 2019 của phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện tâm thần Hà Nội về việc công tác khám, chữa bệnh ngoại trú cho bệnh nhân tâm thần.

SỞ Y TẾ HÀ NỘI

BỆNH VIỆN TÂM THẦN MỸ ĐỨC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

SỐ:     /BVTT-QĐ

V/v: khám, chữa bệnh ngoại trú cho người bệnh tâm thần

     Mỹ Đức, ngày 05 tháng 05 năm 2020

Kính gửi: Đồng chí Trưởng khoa khám bệnh

Thực hiện hướng dẫn số 102/BVTTHN-CĐT ngày 10 tháng 5 năm 2019 của phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện tâm thần Hà Nội về việc công tác khám, chữa bệnh ngoại trú cho bệnh nhân tâm thần.

Thực hiện hướng dẫn số 2765/LN-YT-BHXH ngày 28/7/2017 của Liên ngành Sở y tế Hà Nội – BHXH TP Hà Nội về việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần theo chế độ BHYT.

Giám đốc bệnh viện tâm thần Mỹ Đức đề nghị phòng khám chuyên khoa tâm thần – Bệnh viện tâm thần Mỹ Đức thực hiện Quy định công tác ngoại trú tâm thần theo sự chỉ đạo dưới đây:

1. Khám, lập bệnh án ngoại trú:

– Việc khám, điều trị ngoại trú cho bệnh nhân tâm thần theo Luật khám bệnh, chữa bệnh, Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/9/1997 và Quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú theo Thông tư 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/1997 của Bộ y tế và thông tư 18/2018/TT-BYT ngày 22/8/2018.

– Bệnh án ngoại trú phải do bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa tâm thần lập, có mã chẩn đoán trong danh mục bệnh chữa trị dài ngày theo Thông tư 46/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế.

– Hồ sơ bệnh án phải được lãnh đạo bệnh viện hoặc cán bộ phụ trách phòng khám tâm thần do Giám đốc bệnh viện ủy quyền ký xác nhận và đóng dấu.

– Rối loạn tâm thần và hành vi do rượu, ma túy khám và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa tâm thần (hiện tại bảo hiểm y tế không thanh toán các trường hợp liên quan đến rượu và các chất gây nghiện khác).

2. Giấy tờ cần có khi lập bệnh án ngoại trú: Một trong các loại giấy tờ sau:

a. Giấy ra viện hoặc giấy chuyển tuyến của bệnh các bệnh viện chuyên khoa tâm thần: Tâm thần Hà Nội, Tâm thần Mỹ Đức, Tâm thần trung Ương I,…Giấy ra viện có thể là bản gốc, bản photo có công chứng hoặc sao y bản chính.

b. Trường hợp được chẩn đoán Động kinh: các giấy tờ trên (mục a) hoặc giấy ra viện của khoa thần kinh các bệnh viện.

c. Giấy ra viện hoặ giấy chuyển tuyến phải được dán vào bệnh án ngoại trú.

3. Thời gian lập bệnh án ngoại trú:

Giấy ra viện chỉ có giá trị trong 01 tháng tính từ ngày ra viện đến thời điểm lập bệnh án hoặc có sự đồng ý của ban giám đốc bệnh viện.

4. Thay đổi chẩn đoán:

– Các trường hợp bệnh nhân cần thay đổi chẩn đoán, Phòng khám tâm thần giới thiệu bệnh nhân đến khám xác định lại tại bệnh viện chuyên khoa tâm thần.

– Khi có thay đổi chẩn đoán phải lập bệnh án mới căn cứ vào chẩn đoán mới nhất.

5. Kê đơn thuốc theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của chuyên khoa:

– Chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám, chẩn đoán bệnh; nhận xét diễn biến trong bệnh án và sổ khám bệnh.

– Trường hợp bệnh nhân chưa có bệnh án ngoại trú cần sử dụng thuốc thì kê đơn không quá 30 ngày và không quá 2 đợt, nếu không đỡ chuyển điều trị nội trú theo quy định.

– Người bệnh tâm thần có được tự lĩnh thuốc hay không do người kê đơn thuốc quyết định đối với từng trường hợp.

6. Bệnh nhân bỏ điều trị:

Sau 03 tháng liên tục bệnh nhân không đến khám thì cho bệnh nhân ra viện và tổng kết hồ sơ bệnh án.

7. Sao bệnh án:

– Khi bệnh án dầy/hết gáy để dán tờ điều trị, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề của phòng khám tâm thần sẽ sao lại toàn bộ phần thủ tục hành chính, bệnh sử, tiền sử, khám bệnh sang bệnh án mới.

– Khi sao phải theo đúng quy định: ngày vào viện của bệnh án sao phải ghi đúng ngày vào viện của bệnh án cũ, ngày sao ghi ở cuối bệnh án (phần dành cho BS làm bệnh án).

– Bệnh án mới sao phải có đầy đủ căn cứ lập bệnh án (Giấy ra viện; giấy chuyển tuyến của bệnh viện chuyên khoa; trang đầu hồ sơ bệnh án chương trình đã tổng kết ra viện;…có xác nhận sao y bản chính của phòng kế hoạch tổng hợp).

– Bệnh án sau khi sao phải lưu theo đúng quy chế bệnh viện (lưu 20 năm).

– Khi các cơ quan tố tụng yêu cầu sao bệnh án phải có giấy giới thiệu của nơi yêu cầu sao và được sự đồng ý của lãnh đạo bệnh viện.

– Nếu gia đình bệnh nhân xin sao để làm chế độ chính sách: phải có đơn và xác nhận của chính quyền địa phương (dán vào bệnh án tại phòng khám tâm thần), bệnh án sao nếu photocopy thì phải photocopy toàn bộ những giấy tờ làm căn cứ lập bệnh án, đóng dấu “Sao y bản chính” và có chữ ký của lãnh đạo bệnh viện, hoặc Phòng khám tâm thần trích sao bệnh án có xác nhận của lãnh đạo bệnh viện giao cho gia đình bệnh nhân.

8. Sơ kết bệnh án:

Bệnh án được sơ kết 6 tháng/1 lần, do bác sỹ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa tâm thần làm.

9. Báo cáo số liệu:

– Phòng khám tâm thần gửi báo cáo về Phòng kế hoạch tổng hợp trước ngày 30 hàng tháng.

– Nội dung báo cáo: tổng số bệnh nhân tâm thần phân liệt, bệnh nhân động
kinh, bệnh nhân có rối loạn khác.

Trên đây là quy định về việc khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú cho bệnh nhân tâm thần tại bệnh viện tâm thần Mỹ Đức. Đề nghị các ông/bà khoa, phòng có trách nhiệm liên quan thực hiện nghiêm túc quy định này.

Quy định có giá trị kể từ ngày ký./.

Nơi nhận:        

– Như trên;

– Lưu: VT, KHTH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.